I/ Giới thiệu :
Hiện nay, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh khối H các ngành liên quan đến Mỹ thuật công nghiệp, Trang trí nội thật, Tạo dáng sản phẩm, v.v… đều có chung môn thi là Trang trí màu. Đây là môn thi bắt buộc và tầm quan trọng ngang ngửa với môn vẽ thứ hai là Hình hoạ mỹ thuật (Vẽ chân dung).
Loạt bài viết sau đây tôi viết để hướng dẫn các bạn trẻ yêu thích môn Trang trí màu này từ các bước cơ bản như chuẩn bị dụng cụ, phác thảo, cho đến cách nghiên cứu phối màu, chọn hoa văn, hoàn thiện bài làm.
Xin thông báo trước, nếu các bạn trông đợi vào 1 bài giảng có tính chất giáo dục cao và hợp lý một cách khoa học thì các bạn có thể ngừng đọc tại đây. Lí do là vì tôi là 1 con người quái dị, cho nên bài giảng của tôi cũng quái dị, bảo đảm tính chất phi khoa học và phản sư phạm rất cao.
** Chú ý thêm : Các bài vẽ sẽ được dùng trong bài viết đều là bài làm tay của tôi. Tuy nhiên, nếu các bạn cảm thấy thích sao lưu và đăng tải trên các forum khác, thì cứ tự nhiên. Miễn đừng tự nhận là bài của mình là được. Tôi không nề hà chuyện bài làm của mình được phát tán rộng rãi ra ngoài. Nếu nhờ các bài làm này mà càng có nhiều bạn trẻ yêu thích môn Trang trí màu và tự nâng cao trình độ của bản thân hơn, thì tôi càng thấy thích.
II/ Một số khái niệm cơ bản về trang trí màu :
a/ Bộ màu cơ bản và màu thứ bậc :
Trên lý thuyết, tồn tại 3 màu cơ bản là Đỏ, Xanh lam và Vàng. Gọi là màu cơ bản vì không thể dùng các màu khác mà pha ra được 3 màu này, và cũng vì 1 lí do khác là nó xấu kinh khủng. Đừng ngạc nhiên khi các bài làm dùng màu cơ bản sẽ chẳng bao giờ có điểm cao.
Khi dùng các màu cơ bản này pha với nhau ta lại có được 3 màu khác, gọi là màu bậc 2. Nếu màu bậc 2 mà pha thêm màu khác vào thì thành màu bậc 3, tương tự cho bậc 4, bậc 5. Khuýên cáo hầu hết các màu lên tới bậc 5 sẽ ngã ra màu xám chết. Lí do là vì bản chất màu ta dùng đều là sản phẩm hoá học, tác dụng với nhau quá nhiều sẽ làm màu trơ ra và trở về nguyên liệu lúc đầu, không còn màu nữa. Và tin tôi đi, màu chết là màu kinh tởm nhất mà bạn có thể thấy được.
Các màu bậc 2 có từ các cặp màu chính bao gồm :
- Đỏ + Xanh lam -> Tím
- Xanh lam + Vàng -> Xanh lá
- Vàng + Đỏ -> Cam
Nói thì nói như thế, thực ra các công thức trên chỉ đúng khi pha với tỉ lệ 5 – 5. Nếu thay đổi tỉ lệ 1 chút các bạn sẽ thu được nhiều hiệu quả khác đáng ngạc nhiên. Điển hình là với cặp Đỏ - Xanh lam, nếu cho tỉ lệ Đỏ nhiều hơn sẽ ngả ra sang các màu Tím Bordeux, Tím huyết – nếu cho Xanh lam nhiều hơn thì ngã sang Tím than, Tím xanh. Và các màu Tím là sở trường của tôi – các bạn sẽ thấy ngay sau khi nhìn các bài làm của tôi.
· Trắng và Đen :
Về lý thuyết, Trắng và Đen cũng không thể dùng màu nào khác mà pha ra được. Nhưng đừng vì vậy mà gọi chúng là màu cơ bản. Lí do là Trắng và Đen không gọi là màu, mà ta gọi là sắc độ của màu. Thêm Trắng thì màu sẽ sáng ra, thêm Đen thì tối lại. Nếu biết sử dụng 2 màu này một cách khéo léo để pha với các màu khác thì sẽ thu được hiệu ứng chuyển màu rất tuyệt.
Một bài tập thường thấy của các giáo viên dạy môn Màu đó là Vòng thuần sắc, chủ yếu để dạy các bạn cách pha màu và cách nhận biết các sắc độ của màu.
** Chú ý : Khi rảnh rỗi các bạn nên tập pha các màu bậc 3, 4. Pha 1 cách tuỳ hứng, ngẫu nhiên – nếu cảm thấy màu nào vừa ý mình thì ghi nhớ tỉ lệ và công thức lại. Sử dụng các màu bậc cao dễ tạo được phong cách riêng của mình và cũng sẽ làm Ban giám khảo chấm thi hài lòng. Vì hàng năm họ phải chấm cả ngàn bài xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng rồi, chán lắm. Màu của bạn càng lạ thì họ càng ấn tượng.
b/ Cặp màu tương phản – bổ trợ :
Khái niệm mâu thuẫn này gần như là cơ bản của cơ bản. Các bạn nên dộng nó vào đầu mỗi khi đang bí màu để nhấn nhá bài.
Xanh lá >< Đỏ
Tím >< Vàng
Cam >< Xanh lam
Những cặp màu này khi nằm cạnh nhau sẽ tạo hiệu ứng nổi bật, tôn nhau lên tuy theo sắc độ sáng tối phụ trợ mà bạn sử dụng.
c/ Mảng màu và gam màu :
Mảng màu là một tập hợp các màu nằm cạnh nhau, có sắc độ gần như nhau. Mảng chia ra 3 loại là mảng sáng, mảng tối, mảng trung gian.
Gam màu là một tập hợp các màu phối với nhau để tạo ra một hiệu ứng thị giác nhất định. Có 2 gam màu là nóng và lạnh.
Màu nóng là các màu tạo cảm giác chói mắt và rực rỡ , thường thấy là Đỏ, Cam, Vàng ….
Màu lạnh là các màu tạo cảm giác dịu mắt, êm đềm, thường thấy là Tím, Xanh lam, ….
Mỗi người có một cá tính riêng, một sở thích riêng, do đó dẫn tới sẽ có gam màu riêng đặc thù của mình. Đừng bao giờ bắt chước gam màu của người khác, vì bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được thấu đáo cảm giác của người khác, dẫn đến việc sử dụng gam màu không phải của mình sẽ rất gượng ép, khó phối hợp với nhau. Trong quá trình luyện vẽ Màu nên tìm ra được 1,2 gam màu riêng của mình, sẽ bảo đảm tốt hơn khi phát triển các bài về sau, không còn lúng túng khi tìm màu nữa.
d/ Nhận xét cá nhân :
Vẽ màu là một môn học kì lạ. Không phải cứ thông minh tuyệt đỉnh, trí nhớ hơn người là sẽ giỏi được Màu. Vẽ màu cần nhất là một tâm tư, một cảm giác màu nhạy cảm, và quan trọng nhất là sự đam mê và yêu thích. Chắc chắn 1 người dù tiến bộ chậm nhưng thật sự yêu thích và siêng năng luyện tập sẽ cho ra những bài làm có chiều sâu và tình cảm hơn những người có tài nhưng không thường xuyên mài dũa các kĩ năng.
Có thể 1 thời gian đầu, các bạn còn bỡ ngỡ với các vấn đề như tìm hoạ tiết, dựng hình, phối màu, nhấn nhá. Nhưng sau 1 thời gian tìm hiểu và tập luyện, các bạn sẽ “thấy” được … (ừm, tôi tạm gọi là) chân lý. Đến lúc đó thì bạn biết chắc rằng mình đã đến một trình độ khác, chỉ có từ đó phát triển tốt hơn mà thôi. Còn những ai chưa “thấy” được, thì sẽ mãi loay hoay trong những bộ phối hợp lạc quẽ và ấu trĩ.
Tuỳ tố chất và tuỳ vào quá trình tập luyện, thời điểm “thấy” ở mỗi người khác nhau. Đừng ngạc nhiên khi có người chỉ cần nửa tháng để “ thấy”, có người cần đến 3 năm. Chuyện này tôi, bạn, hay bất cứ giáo viên nào cũng không can thiệp được; nó thuộc về tiềm năng nội tại của mỗi người rồi.
II/ Chọn mua dụng cụ và bảo quản dụng cụ :
Học vẽ màu là 1 môn học tốn tiền. Các bộ dụng cụ để vẽ, nếu đạt tiêu chuẩn “xài được” thì không rẻ. Tuy nhiên tôi khuyến cáo là để thu lại hiệu quả tốt thì đừng tiếc tiền mua đồ. Tôi sẽ hướng dẫn những cách bảo quản dụng cụ để dùng được lâu – cũng là 1 cách để tiết kiệm.
Bộ dụng cụ cơ bản bao gồm :
- Cọ dẹt, cọ tỉa đầu, bay lấy màu, viết chì, dao chuốt, gôm tỉa, lọ nước nhỏ, thước dài 30cm, các lọ màu.
- Bảng kẹp giấy A3 cứng, 2-4 kẹp giấy, giấy Can-xông A3, giấy scan (bóng mờ), palette pha màu, xô nhỏ, thước đo độ, compa, khăn lông.
· Giải thích :
- Cọ dẹt : nên chọn loại cọ dẹt đầu số 2. Loại này không cần mua loại đắt tiền, vì ta chỉ dùng nó để chà, quậy màu trong khay, nên nó sẽ tà đầu rất nhanh, mua đắt tiền thì phí lắm.
- Cọ tỉa đầu : tôi dùng loại cọ tỉa Nhật số 2 cán trong AA. Loại này rất hữu dụng trong mọi phương diện, dù là quét mảng, ke cạnh, ke góc, chấm màu v.v… Tuy nhiên mua về vẫn phải luyện mới dùng được (cái này sẽ nói sau)
- Bay : dùng để lấy màu trong các hũ ra, lấy xong phải dùng khăn lau ngay trước khi thọt vào hũ màu khác.
- Viết chì : tôi dùng loại 3B, vừa đủ đậm. Và chì thì nên dùng dao để chuốt mới có độ dài và độ nhọn vừa ý. Ai dùng đồ chuốt viết chì thì nên kiếm cục gạch đập vào trán cho tỉnh táo ra đi.
- Dao chuốt : lí do như trên. Nên chọn loại dao vừa nhỏ, không quá lớn. Và nên tập chuốt víêt chì sao cho gọn và không bị gãy ngọn.
- Gôm tỉa : mua 1 cục gôm về, dùng dao cắt theo đường chéo. Lí do là vì sẽ có những chỗ trong góc, cạnh cần gôm mà để nguyên 1 cục thì không thể nào gôm được.
- Lọ nước nhỏ : dùng 1 lọ nước nhỏ mắt đã xài rồi, rửa cho sạch và hứng đầy nước sạch. Ta dùng cái này để tiếp nước cho cọ và cho màu. Tin tôi đi, dùng cái này sẽ có thể khống chế được lượng nước trong màu theo ý mình.
- Thước dài : vật không thể thiếu của môn Trang trí. Khi dựng hình chì thì việc kẻ khung, lấy tâm v.v… không có thước thì khỏi làm. 30cm và cứng, trong suốt là loại hợp lý.
- Lọ màu : tất nhiên vẽ màu thì làm sao mà không có màu ? Tuy nhiên đây là phần quan trọng nhất, nên lát nữa tôi sẽ nói riêng.
- Bảng kẹp giấy : ở đâu cũng có bán. Cái này thường làm bằng giấy bìa dán bồi hoặc bằng gỗ ván. Tác dụng để kẹp giấy vẽ lên để bảo đảm mặt phẳng dù có để ở đâu, đất sần sùi hoặc trên đùi v.v…
- Kẹp giấy : dùng loại kẹp vừa để cố định các mép giấy
- Giấy vẽ : khổ thường thấy là A3, tuy nhiên người mới học hay bị bắt dùng A4, lí do là nhỡ hư thì bỏ, đỡ hao. Giấy cũng rất quan trọng, tôi khuyến dùng loại giấy Can-xông dày, khoảng 2500 – 3000/ tờ, 1 mặt láng 1 mặt có vân giấy. Độ ăn màu rất tốt, khó nhăn.
- Giấy can : (scan) hay còn gọi là bóng mờ. Là 1 trợ thủ đắc lực để dựng hình và giá chỉ có 500 đồng 1 tờ A4. Cách sử dụng sẽ nói đến trong phần dựng hình.
- Palette : là một cái khay để đựng màu. Các bạn đừng nghe ai xúi mà xài các tấm phim phổi hay đĩa lớn. Lí do là vì các bạn chưa đủ pro để khống chế lượng màu đâu. Tôi khuyên dùng loại khay màu gấp được, có chia nhiều ô và các ô có độ dốc để màu tụ xuống. Dễ dùng nhưng hơi cực khi rửa.
- Xô nhỏ : để đựng nước sạch. Ta dùng nước này để rửa cọ, rửa bay v.v… 1 cái xô nhỏ sẽ chứa vừa đủ nước để làm 1 bài, khỏi đi tới đi lui lấy nước nhiều.
- Thước đo độ : làm 1 số đề bài đặc biệt ta cần dùng đến các kiến thức hình học để dựng bài, chia mảng thì sẽ nhanh hơn.
- Compa : tương tự, và chủ yếu để làm các bài hình tròn, nan quạt v.v…
- Khăn lông : dùng để thấm bớt nước trong cọ, lau màu v.v…. Dùng loại khăn lông nhỏ, đã qua sử dụng, xài chán chê thì vứt. Vì có giặc cách mấy cũng không sạch được đâu.
· Nói về chọn màu :
Các bạn nên phân biệt, về màu nước có 2 loại là màu Poster và màu Acrylic. Poster là loại màu vẽ giấy – loại ta sẽ dùng. Còn Acrylic là màu có pha keo, chủ yếu để vẽ áo, nón bảo hiểm.
Tất nhiên ta cũng có thể dùng màu Acrylic, nhưng tôi phải khuyến cáo trước là dùng màu này là con dao 2 lưỡi.
- Lợi : Rẻ, rẻ hơn màu poster, dung tích nhiều hơn. Tốc độ khô trên mặt phẳng rất nhanh, nên dùng lên bài thì khô rất lẹ, đỡ phải chờ. Nhỡ có để hở nắp hũ vài ngày cũng không khô được, vì nó có keo và dầu bảo quản.
- Hại : Khô cực nhanh, có nghĩa là, trên vỉ màu nó cũng khô rất nhanh. Quay qua quay lại 1 tí là khô queo – nếu bạn không rành tiếp nước thì bảo đảm bạn sẽ rất tốn thời gian.
Vì 2 mặt lợi – hại của nó, tôi khuyên bạn nên hạn chế. Và nên dùng màu Poster pha kèm, nếu có ý định dùng Arcylic.
Đa số người mới học vẽ hay bị khuyên mua màu hiệu Pentel. Tôi nói thật là tôi rất ác cảm với cái vụ này. Lí do là vì màu Pentel rất mắc. 1 hủ nhỏ tí tẹo mà đến 22 – 28k tuỳ chỗ bán. Cho nên tôi khuyên dùng 1 hiệu màu poster khác, tuy chẳng có tiếng tăm gì, nhưng chất lượng không thua kém gì Pentel.
Đây là 1 loại màu Trung Quốc, có nhãn M. 1 hũ to như thế này chỉ có 13 – 15k. Xài tẹt ga xả láng.
Nói đến chất lượng thì không thua gì Pentel. Vậy thì mắc gì ta phải đâm đầu đi mua màu Pentel ?
Các màu bạn sẽ mua bao gồm 5 màu : Đỏ, Xanh lam (xanh đen), Vàng chanh , Đen, Trắng.
2 hũ đen trắng các bạn có thể dùng màu Acrylic, vì khi pha với nhau lên bài, lúc khô bài sẽ có 1 hiệu ứng mờ mờ do lớp keo trên màu Acrylic để lại, rất ấn tượng và mịn mặt.
Sau này khi trình độ màu của các bạn kha khá và đã có gam màu riêng thì có thể nghĩ đến việc mua thêm 2-3 hũ màu pha sẵn tuỳ vào ý định sử dụng. Còn lúc đầu như thế này thì tập pha bằng các màu cơ bản cho lên tay.
· Nói về luyện cọ :
Cây cọ tỉa là vũ khí chủ lực của bạn. Dùng để tô cái gì cũng phải dùng nó. Nhưng muốn luyện nó cho vững tay, muốn sao được vậy thì phải có cách luyện.
Cọ mới mua về chưa dùng ngay, mà phải lấy 1 ly nước đầy, nhúng nó vào đó, cắm xéo sao cho đầu cọ tì vào đáy ly hơi cong cong. Để đấy tầm 1 tuần.
Cọ lúc lấy ra sẽ hơi bị cong cong đầu, tuy vậy chính vì cái chỗ cong cong đó mà bạn sẽ cảm thấy dùng nó thuận tay hơn cọ thẳng. Cứ việc thử khắc biết.
Nhưng như thế cũng chưa phải là luyện xong. Sau khi có cọ cong đầu rồi thì phải dùng để làm bài. Làm thật nhiều vào. Sau 1 thời gian lông cọ rụng bớt và bắt đầu quen tay rồi, thì cây cọ đã trở thành một bộ phận của cơ thể. Các chiêu ke góc, kẻ chỉ đối với bạn bây giờ là chuyện vặt.
*** Các bạn có thể tìm mua loại cọ mà tôi nói đến ở địa chỉ sau, khoảng 12.500 đồng 1 cây, và xài rất bền, cả năm trời chưa xi nhê. Màu loại tôi giới thiệu cũng có ở đây.
Công ty cổ phần Hoạ Sĩ
31 Hoàng Hoa Thám, Phường 6, Quận Bình Thạnh, TPHCM
ĐT : 35512355
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét