Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Chúc mừng sinh nhật Bé Thảo My


19-9-2008 là sinh nhật của Cháu Thảo My đó, mọi người mua quà cho My chưa?-- ---Chúc Mừng Sinh Nhật !

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Trung Quốc muốn biến biển Đông thành ao nhà

"Với "đường lưỡi bò", Trung Quốc mặc nhiên coi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình và muốn biến biển Đông thành sân sau, ao nhà", ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ trao đổi với VnExpress.net.
> Trình bày báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa


- Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc, đi kèm một bản đồ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên biển Đông. Ông có thể giải thích về lịch sử hình thành đường yêu sách này?

- Đường yêu sách 9 đoạn hay đường chữ U, "đường lưỡi bò" ra đời năm 1947 do một công dân Trung Hoa Dân quốc vẽ. Năm 1948, dựa theo đó, chính quyền Cộng hòa Trung Hoa đã cho in bản đồ có "đường lưỡi bò". Trong bản đồ này, "đường lưỡi bò" là một đường đứt khúc gồm 11 đoạn, được thể hiện bao trùm xung quanh các quần đảo, bãi ngầm trên biển Đông. Đường này được vẽ tùy tiện, không có tọa độ cụ thể.

Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng nối tiếp chính quyền trước đó trong việc xuất bản bản đồ có "đường lưỡi bò". Tới năm 1953, bản đồ có "đường lưỡi bò" do Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn, bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Theo bản đồ này, đường yêu sách hình chữ U "nuốt" tới 80% diện tích Biển Đông.

Mặc dù xuất bản bản đồ có "đường lưỡi bò", nhưng cả chính quyền Trung Hoa Dân quốc trước đó lẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau này đều chưa bao giờ chính thức tuyên bố yêu sách hay giải thích gì.


Sơ đồ mà Trung Quốc gửi kèm công hàm đến Liên Hợp Quốc.

- Ông đánh giá như thế nào về tính khoa học và giá trị pháp lý của "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc vừa đưa ra?

- Về hình thức thể hiện, bản đồ vẽ đường biên giới 9 đoạn hay 11 đoạn, Trung Quốc đều dùng ký hiệu thể hiện theo đúng tiêu chuẩn chung của đường biên giới quốc gia. Với cách thể hiện của "đường lưỡi bò" ôm lấy 80% biển Đông, người ta hiểu rằng phạm vi biển ở trong đó là vùng nội thủy và lãnh hải hay "vùng nước lịch sử" thuộc chủ quyền hoàn toàn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong các tuyên bố đưa ra suốt từ năm 1958, Trung Quốc không hề nêu lên quy chế "vùng nước lịch sử" hay vùng giới hạn bởi "đường lưỡi bò" hoàn toàn chỉ là vùng nội thủy, lãnh hải của mình. Ngược lại, họ thừa nhận trong phạm vi biển đó có cả vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc tháng 5/2009, tức là hơn 60 năm sau khi bản đồ "đường lưỡi bò" ra đời, Trung Quốc mới thể hiện quan điểm chính thức: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và cả quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó".

Mặc dù việc đưa ra bản đồ có "đường lưỡi bò" không dựa trên bất cứ căn cứ khoa học, pháp lý nào, Trung Quốc vẫn thường xuyên tung bản đồ đó ở trong nước và trên một số diễn đàn quốc tế... Trung Quốc tìm mọi cách giành lấy sự mặc nhiên thừa nhận của dư luận chính thức và không chính thức đối với "đường lưỡi bò" này

- Tranh chấp trên biển Đông hiện có 2 vấn đề là chủ quyền các quần đảo và phân định biển, thềm lục địa. Việc sở hữu các quần đảo có ý nghĩa như thế nào đối với việc phân định biển, thềm lục địa?

- Với "đường lưỡi bò", Trung Quốc một mặt, mặc nhiên coi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình, trong khi tại đây còn diễn ra tranh chấp của nhiều quốc gia trong khu vực. Mặc khác, với đường biên giới này, rõ ràng Trung Quốc đang muốn biến Biển Đông thành sân sau, thành "ao nhà" của mình.

Tiến sĩ Trần Công Trục có gần 30 năm công tác tại Ban biên giới Chính phủ và giữ chức Trưởng ban trong 10 năm. Ông từng trực tiếp tham gia đàm phán giải quyết biên giới trên bộ, biên giới trên biển trong vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; đàm phán phân chia thềm lục địa với Indonesia và Campuchia.
Theo Công ước Luật biển 1982, chỉ có "quốc gia quần đảo" mới được phép áp dụng các quy định của Công ước trong việc vạch đường cơ sở để tính chiều rộng các vùng biển, thềm lục địa của cả quần đảo cấu thành "quốc gia quần đảo". Hoàng Sa và Trường Sa không phải là quốc gia quần đảo mà là các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển, vì thế không được áp dụng các quy định đối với quốc gia quần đảo nói trên.

Hơn nữa, các đảo trong hai quần đảo này có diện tích rất nhỏ, điều kiện môi sinh môi trường cực kỳ khắc nghiệt, không thích hợp cho đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng. Vì vậy, chúng cũng chỉ có thể được phép có vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh mỗi đảo nổi tính từ đường cơ sở của chúng. Rõ ràng không thể dựa vào sự tồn tại của 2 quần đảo này, mặc dù đây không phải là lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc, để nước này mở rộng phạm vi vùng nội thủy, lãnh hải đến 80% diện tích biển Đông.

- Tại cuộc họp Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc ngày 27-28/8, Việt Nam đã trình bày Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý tại khu vực phía Bắc Biển Đông và đề nghị thành lập tiểu ban xem xét vấn đề này. Động thái này của Việt Nam nên hiểu như thế nào?

- Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Nhưng theo tôi không phải như vậy. Việc nộp hồ sơ cho thấy chúng ta đang tuân thủ một cách nghiêm túc thủ tục pháp lý đúng theo Công ước Luật biển 1982. Hồ sơ của chúng ta có căn cứ khoa học, pháp lý để xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý.

Tôi được biết, Việt Nam và Trung Quốc đang có những diễn đàn đàm phán song phương hằng năm để xử lý, giải quyết các tranh chấp. Chỉ khi các nước không thỏa thuận được với nhau thì mới tính đến khả năng đưa ra cơ quan tài phán quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc.

Với vấn đề chủ quyền biển, đảo từ lâu Việt Nam đã lên tiếng và có những hoạt động thực tế như tổ chức đàm phán, công hàm phản đối, công trình nghiên cứu đồ sộ... Các chính quyền từ thời trước như thời nhà Nguyễn, chính quyền miền Nam Việt Nam trước đây đã có những hoạt động thực hiện chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tư cách Nhà nước một cách liên tục và hòa bình.


Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường khẳng định chủ quyền biển, đảo trên biển Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng.

- Quan điểm của các nước trong khu vực về vấn đề biển Đông như thế nào?

- Qua những kênh thông tin chính thức thì không những các nước trong khu vực mà cả các nước châu Á, phương Tây đều rất quan tâm. Quan điểm của Việt Nam về cơ bản phù hợp với quan điểm của các nước là muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hợp tác, phát triển ổn định, bền vững.

- Là người có thâm niên trong lĩnh vực phân định biên giới, theo ông, Việt Nam cần tiếp tục làm những gì để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình?

- Theo tôi, những gì chúng ta đã làm thì nên tiếp tục. Trong đó, phải tìm cách chứng minh, khẳng định quan điểm rõ ràng với từng loại việc khác nhau. Ví dụ, đối với Hoàng Sa, Trường Sa, cần nghiên cứu, sưu tầm chứng cứ để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo này.

Với vùng biển và thềm lục địa, theo Công ước luật biển 1982, cần có giải pháp để giải quyết các khu vực chồng lấn, vùng tranh chấp để đi đến kết quả như mình đã có với Indonesia (ký được thỏa thuận sau hơn 10 năm đàm phán), với Malaysia, với Thái Lan. Với Trung Quốc và Campuchia chúng ta cũng đang đàm phán. Việt Nam cũng đã giải quyết phân định ranh giới trên Vịnh Bắc Bộ và đang duy trì diễn đàn đàm phán giải quyết các vấn đề trên biển với Trung Quốc.

Trước những động thái thực tế của một số nước động chạm đến quyền lợi quốc gia thì nhất quyết phải có tiếng nói đúng thủ tục pháp lý. Nếu chúng ta không lên tiếng, tức là đã mặc nhiên thừa nhận quyền của nước khác. Nhiều nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước hiện rất quan tâm tới vấn đề này, họ có rất nhiều kiến thức, đóng góp ý kiến hay.

Đây không phải là vấn đề ngày một, ngày hai. Bên cạnh cuộc đấu tranh pháp lý, ngoại giao thì chúng ta phải xây dựng thực lực của mình: đẩy mạnh khai thác, bảo vệ các lợi ích, tăng cường sức mạnh trên biển. Ngoài ra, nên thành lập một cơ quan điều phối, quản lý chung hoạt động trên biển. Cơ quan này sẽ tập trung sức mạnh đang phân tán ở nhiều ngành, nhiều địa phương.