Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Người cựu chiến binh nghèo nuôi 5 con vào đại học ( Tinh thần Thạch Bàn quê ta)


(GDVN) - Sinh ra và lớn lên trên miền quê nghèo khó, thế nhưng các con tôi đều rất ngoan và chăm chỉ học hành.
Nhìn những tấm bằng tốt nghiệp của các cháu, tôi rất tự hào
Sinh ra và lớn lên trên mãnh đất nắng gió, quanh năm làm nghề muối, chăm chút tạo nguồn sống cho người. Những năm (1971-1972) đế quốc Mỹ càng quét ác liệt, địa bàn Vĩnh Tiến (xóm 1), xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh là trong những mục tiêu kẻ thù nhắm đến, con người, nhà cửa, không nơi nào mà bọn giặc không tàn phá, hủy diệt.

Ở đây, hàng ngàn tấn bom đã dầy xéo, một trong những quả bom của bọn chúng dội xuống, đã làm ngôi nhà gia đình anh Đồng Văn An nát tươm từng mãnh. Cảnh nhà tan, cửa nát, trong tim anh nháy lên lòng hận thù cùng đoàn quân ra trận.

Năm ấy, cậu bé đôi mươi, đẹp trai, hiền lành, bao cô thiếu nữ mong ngóng, đợi ngày anh trở về, khi quân đoàn 22, thuộc Quân khu 4, đang bừng bừng khí thế sôi sục, tuyển quân lên đường chiến đấu vì sự an bình của Tổ quốc.

Anh ra đi, để lại bố mẹ già, bà con, xóm giềng, những người thân yêu đang chờ anh trở về với đồng muối, ruộng chua, con đê mà người cha, cùng 17 hộ gia đình chung tay xây đắp, chắn cát, ngăn mặn, giữ ngọt, tưới tiêu cho cánh đồng lúa trĩu cành, hàng tấn gạo chuyển ra tuyền tuyến, xây những ngôi nhà mới, chống quân thù trong những ngày đêm khói lửa.

Mùa xuân năm 1988, cậu bé ngày nào, nay là chàng bảnh trai, mang trên vai quân hàm thiếu úy, trở về quê hương cùng bà con chung tay xây dựng nền kinh tế mới.

Chỉ một năm trôi qua, con lũ lớn về trên quê hương Hà Tĩnh, con đê mà ông cha đắp giữ bị cuốn vỡ, anh đã sáng tạo ra nhiều kế sách, kịp thời khắc phục, ngăn chặn đoạn vỡ con đê, đưa lại niềm vui mới cho bà con thôn xóm.

Với tính cần cù, năng động, sáng tạo, sôi nổi, dần dần đã làm nức lòng cô thiếu nữ Nguyễn Thị Cúc ở cùng làng, khi còn lứa tuổi đôi mươi. Từ những câu thơ bộc phát, đùa qua cửa miệng “Khi anh đi em còn bé lắm. Nay anh về má em hồng, ngại lắm đi thôi...” khiến cô thiếu nữ thổn thức, đón nhận. Và từ ấy, anh cùng chị Cúc nên duyên vợ chồng, xây dựng một gia đình mới trên làng quê Vĩnh Tiến.

Tuy chiến tranh đã qua, nhưng còn để lại trong con người Việt những niềm đau, mất mát, đói khổ, quê hương anh Đông Sĩ An, ruộng lúa bị nhiễm mặn, người dân sinh sống bằng nghề muối là chính, hoàn cảnh gia đình ra riêng tư chỉ có đôi bàn tay, với đồng lương nhỏ nhặt của một cán bộ cấp xã nghèo, ngoài 1,5 sào ruộng muối gia đình được giao khoán, chị Cúc (vợ anh) phải canh phá, nhận thêm đến trên 5 sào ruộng muối để đủ trang trải, nuôi con.

Anh Đồng Văn An, bưng chén nước chè xanh bốc khói ngùn ngụt, thổi, húp một hớp, trầm trồ kể: Các con tôi ăn học đến nơi, đến chốn, đứa nào cũng được vào đại học, nay đã có việc làm ổn định là nhờ không ít công sức mẹ Cúc, nhiều lúc đau, sốt cao mà mẹ nó cũng cố đi làm, nữa đêm chưa chịu về, muối giá thành thấp, làm không đủ chi phí, mà ở đây không biết làm gì ngoài nghề làm muối.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê khi nào đưa vào khai thác được. Ruộng lúa cũng đã hết dần, không có nước, trước đây có vùng làm hai vụ, nay một vụ cũng không đủ nước cho cây lúa, lấy đâu mà no hạt, mất mùa mấy năm liền.

Những năm vừa rồi, mưa nắng thất thường, mẹ nó phải đi vào miền Nam là thuê mướn, phụ xây, trồng, hái cà phê...kiếm tiền nuôi con ăn học, vừa gửi tiền học phí cho mấy đứa, vừa trả nợ lãi suất chứ mô chú. Tiền nợ ngân hàng chưa trả hết, tôi đã lớn tuổi rồi, làm lụng không khỏe như trước nữa, khó khăn lắm chú ạ. Cái được của gia đình là đứa nào cũng đỗ đại học, nay chỉ còn lo thằng út Bảo thôi, chứ đứa nào cũng đã có nghề ổn định rồi.

Các con nhà này, cô cậu nào cũng chăm học, năng làm, ngoài giờ học về đứa nào cũng cần mẫn, canh phá thêm đất hoang hóa, cấy lúa, trồng khoai...phụ giúp gia đình.

Cháu Đồng Thị Thanh Nhàn, con gái đầu của tôi, nó tội nhất, sinh ra trong thời gian đói khổ, bo bo không có ăn, chứ đừng nói đến gạo, cả tuần mới có miếng cơm lót dạ.

Vậy mà nó cũng cố gắng học hết sức để vào ngành sư phạm, nay đang dạy tại trường THCS Nguyễn Văn Trổi, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, nay cũng trải qua đại học rồi.

Còn thằng thứ hai, không kể hết, khi nhỏ Đồng Phan Hoàng, rời cặp sách vở là xông ra phụ làm muối cho mẹ, rỗi rãi một tý là ra ruộng, đầm bắt cua, lưới cá... Nó có tay sát ngư, bắt cá bậc nhất làng, có năm nó bắt được 4-5 con cá Mè kẻ trên cả yến.

Rời mái trường, Hoàng vào quân ngũ, được cái hiếu học, cần cù lao động nên ai cũng thương, sau 3 tháng Hoàng được vào làm Nhà khách Quân đội Bến Thủy, rồi được cử đi học đại học tại trường Học viện Biên phòng Hà Tây.

Năm 2008 tốt nghiệp, ra trường mang trên vai quân hàm Trung úy. Năm qua, được bầu làm Phó trưởng đồn 565, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Nói đến chuyện đi học của Hoàng vợ chồng tôi nhớ mãi, chuẩn bị tốt nghiệp mà trong nhà không có gì để bán đủ một trăm, tích lũy cả năm chỉ được vài trăm, mượn quanh bà con, hàng xóm mới tròn năm trăm bạc. Vợ chồng tính mãi không biết kiếm đâu ra, đành bán 2 con chó cưng đang giữ nhà để đủ tiền nộp học phí cho Hoàng...

Phải nói đến, nhờ các chính sách, chủ trương của Nhà nước, Chính phủ, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Những năm qua đã hỗ trợ, cho học sinh, sinh viên vay mượn tiền trong thời gian học, gia đình cũng nhờ chủ trương trên mà đỡ một phần, chứ những năm 2004 -2008, có lúc chúng tôi dự định, cho một trong hai đứa nghỉ học.

Hai em, Hoa và Hương thi đậu đại học năm một, đứa đỗ năm 2010, đứa lại thi đỗ năm 2011, làm cả gia đình rối lên. Hoa học ngoan, chăm học, em Hương cũng học giỏi.

Nhiều đêm trăn trở, vợ chồng tôi bàn để mẹ Cúc vào Lâm Đồng, Đồng Nai làm thuê, kiếm tiền nuôi con, dành dụm được đồng nào cho con đồng nấy, đi thăm các con cũng tiện, có mẹ, có con, chuyển tiền cho con học cũng dể dàng hơn. Gia đình cố gắng, đắp đổi qua ngày.

Em Đồng Thị Hoa, nay đã ra trường, vào làm Sở Tư Pháp, tỉnh Đồng Nai rồi. Còn em Đồng Thị Hương, cũng được vào làm Tòa án, TX Long Khánh.

Hiện đã tạm ổn, nhờ cái phúc đức bề trên, ông bà tổ tiên phù hộ gia đình mạnh khỏe cả, sinh ra các con, đứa nào cũng chăm lo học hành, thấy mà phấn khởi trong lòng, giờ chỉ còn lo cho Đồng Thế Bảo, con trai út, mới thi đậu đại học Luật, TP Hồ Chí Minh năm ngoái, là hoàn thành việc học cho các cháu.

Rời cánh đồng muối Thạch Bàn, xa cha mẹ, những người con hiếu thảo, chăm chỉ học hành phấn đấu trở thành những công dân có ích, phục vụ đất nước ngày càng phồn vinh, tươi đẹp. Để lại sau lưng, là con đường đất gồ gề, khóm cây, góc làng nhỏ, đàn chim cò, chim diệc...đang rỉa cánh bên bờ sông Ngàn Mọ, như nhắn nhủ ai đó, thúc dục Dự án mỏ sắt Thạch Khê đưa vào khai thác để người dân ở nơi đây sớm hưởng niềm vui trong mùa xuân mới.