Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

Phận 'má hồng' của những 'cô đào' huyền thoại Sài Gòn

  Ai từng sống ở Sài Gòn vào nửa đầu thế kỷ 20, hẳn không thể không biết tên tuổi lừng danh của các đại mỹ nhân, đã trở thành huyền thoại trong bức tranh nhan sắc Việt.

Là những nữ minh tinh “sắc nước nghiêng trời” trên đất Sài Gòn thuở ấy, Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Mộng Tuyền, Kiều Chinh… vẫn sống mãi trong lòng những người từng biết đến và mến mộ.

Đóa hồng đoản mệnh

Là nghệ sỹ cải lương nổi tiếng, có sắc đẹp dịu dàng, lộng lẫy, quyến rũ cùng lối ca diễn truyền cảm đặc biệt, Thanh Nga được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ.


Thanh Nga được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ. Ảnh tư liệu
Thanh Nga lúc nhỏ có tên là Juilette Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh. Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa - dưỡng phụ làm bầu gánh. Nhờ nhạc trưởng Út Trong của đoàn Thanh Minh rèn luyện cho nhiều bài bản cổ nhạc, Thanh Nga được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt khi mới 8 tuổi, bắt đầu chính thức diễn trên sân khấu qua vai đào con trong các tuồng như Phạm Công Cúc Hoa, Đồ Bàn di hận, Lửa hờn… Biệt hiệu “Thần đồng Thanh Nga” có từ giai đoạn này.

Lúc 16 tuổi, nữ hoàng sân khấu bắt đầu vào vai chính đầu tiên - sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới - được trao Huy chương vàng giải Cải lương Thanh Tâm năm 1958. Và rồi, không chỉ dừng ở lĩnh vực cải lương, Thanh Nga còn tham gia nhiều phim với các vai diễn đáng nhớ, như: Hai chuyến xe hoa, Mùa thu cuối cùng, Bụi phấn hồng, Thương muộn, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Xa lộ không đèn, Nắng chiều, Lan và Điệp, Loan mắt nhung, Mãnh lực đồng tiền, Người cô đơn…

Thanh Nga từng trải qua 3 đời chồng. Người đầu tiên là ông là Nguyễn Minh Mẫn, tuy không phải là nghệ sĩ, nhưng ông có tâm hồn tài tử, nhưng do vung tiền tiêu pha tới mức thâm lạm công quỹ, ông Mẫn phải ngồi tù. Sau đó, Thanh Nga lấy nghệ sỹ Thành Được (ở Đoàn Cải lương Sài Gòn I) trước khi kết hôn với Phạm Duy Lân.

Thanh Nga và chồng là đạo diễn Phạm Duy Lân. Ảnh tư liệu
Nhan sắc, công danh được coi là số 1 thời ấy, nhưng Thanh Nga lại khó tránh phận “hồng nhan đoản mệnh”. Khoảng 11h đêm 26/11/1978, sau khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nữ nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen mang biển số 51A - 48 do chồng là đạo diễn Phạm Duy Lân cầm lái. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với con trai Cúc Cu, 5 tuổi.

Khi xe dừng trước cổng nhà  114 Ngô Tòng Châu (đường Bùi Thị Xuân, quận 1 ngày nay), vệ sĩ Nguyễn Văn Các bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc xe máy phóng tới, hai tên lạ mặt nhảy xuống, dùng súng ngắn khống chế Các nằm úp vào trong xe. Hai tên uy hiếp vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu. Trong lúc giằng co, viên đạn đã bắn trúng ngực trái, chưa xuyên ra sau lưng, nhưng đủ kết liễu sinh mệnh của Thanh Hoa, 36 tuổi. Lúc đó, hàng vạn khán giả Sài Gòn, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt nhất, để khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền vọng cổ nói chung.

Lận đận kiếp “hồng nhan”

Nghệ sĩ Mộng Tuyền sinh năm 1947 tại tỉnh Phong Dinh, nay là TP Cần Thơ. Chị vào nghề năm 13 tuổi trên sân khấu đoàn Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao. Lúc này, cô đào chánh nhỏ tuổi phải độn ngực, mang giày cao gót để ra dáng thiếu nữ cho các vai diễn. Năm 14 tuổi, được mời về đoàn Thanh Minh cùng diễn với đàn chị Thanh Nga và đã thế thành công các vai của Thanh Nga khi Nữ hoàng sân khấu rời đoàn và qua đời.

“Đào” Mộng Tuyền sở hữu một bảng thành tích rất đáng nể: năm 1963 đoạt giải Thanh Tâm cho vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử; năm 1972 được khán giả, báo giới phong “Ảnh hậu” cho nữ diễn viên điện ảnh xuất sắc với các vai diễn trong các phim Gánh hàng hoa, Còn gì cho nhau…; năm 1980 giành huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cho vai Vân trong vở cải lương Bóng tối và ánh sáng; năm 1985 đoạt giải Bông sen Vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai bác sĩ Mai Trâm, phim Tình yêu của em.

Tuy là một bóng hồng hương sắc, nhưng nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền kém may mắn trong đường tình duyên. Ảnh tư liệu
Tuy là một bóng hồng hương sắc, nhưng nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền kém may mắn trong đường tình duyên. Lúc trẻ, nhiều soạn giả, công tử, đại gia, thiếu gia... kể cả những “ông lớn” theo đuổi, nhưng Mộng Tuyền lại lên xe hoa với Đại tá quân đội của chế độ cũ Nguyễn Văn Nam. Cuộc hôn nhân đầu tiên không tình yêu, mà là vì lo tiền nuôi các em, đã trở thành nỗi ám ảnh không ngờ với một cô gái trinh trắng 21 tuổi. Mộng Tuyền đã sống bên chồng với lòng biết ơn, sự trung thành, hy sinh.

Cuối 1973, Mộng Tuyền lặng lẽ âm thầm dắt các em rời khỏi mái nhà chồng, cô không về nhà ba mẹ mà thuê một căn hộ cao cấp nằm trên đường Mạc Đĩnh Chi ngày nay để sống cùng các em.

Sau năm 1975, Mộng Tuyền sống như vợ chồng với bầu Xuân đoàn Dạ Lý Hương, rồi sau đó cả hai lặng lẽ chia tay mà phần thua thiệt và mang tiếng, người đẹp này cam phận lãnh một mình. Sau đó, Mộng Tuyền lấy một thương gia, chị cùng chồng sang Pháp sinh sống. Họ kinh doanh đồ cổ tại quận 13 (Paris). Cuộc hôn nhân tan vỡ, Mộng Tuyền lại cô đơn. Giờ nữ nghệ sĩ huyền thoại của đất Sài Gòn xưa đã ở tuổi ngoài 60, nhưng vẫn giữ được sự tươi trẻ và duyên dáng. Chị đang sống với người chồng hiện tại ở Australia. Có một thời tuổi trẻ đáng ngưỡng mộ với đủ đầy danh vọng nhưng phải đến tuổi xế chiều, Mộng Tuyền mới cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét