Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Lăng Tự Đức: Bức tranh sơn thủy hữu tình


Đường vào lăng Tự Đức (Ảnh: Nguyễn Hoàng Minh)


Trong số 13 vua Nguyễn, vua Tự Đức là người uyên thâm nhất về nền học vấn Đông phương, nhất là nho học. Vua giỏi cả về sử học, triết học, văn hóa nghệ thuật và đặc biệt là thơ văn. Vua đã để lại 600 bài văn và 4000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ chữ Nôm. Tư chất ấy cũng được biểu lộ rõ trên nghệ thuật kiến trúc của lăng vua.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn, hòa nhập với thiên nhiên. Không có đường nét thẳng tắp, góc cạnh, mà thay vào đó là sự hài hòa, uốn lượn như chìm hẳn vào thiên nhiên, dù cho công trình là hoàn toàn do tay con người kiến tạo.Nhìn chung, tổng thể kiến trúc này đầy trang trọng và mỹ thuật cao được cấu tạo hài hòa giữa đồi núi nhấp nhô, cây cỏ tốt tươi, rừng thông xanh biếc, khe hồ nước chảy du dương thành một khung cảnh êm đềm thơ mộng và hết sức tươi đẹp, phảng phất nét u trầm thanh nhã như tâm hồn mẫn cảm, yêu thích thiên nhiên và nghệ thuật của vị vua hiền đức hiếu thảo, được người đời mệnh danh là “ông vua thi sĩ”.
Trong vòng La thành rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành cụm trên những thế đất phức tạp cao thấp hơn nhau chừng 10m. Nhưng, các hệ thống bậc cấp lát đá thanh, các lối đi quanh co lát gạch Bát Tràng đã nối tất cả các công trình kiến trúc lại thành một thể thống nhất, tương quan, gần gũi.
Qua khỏi Khiêm Cung Môn, cửa tam quan hai tầng dựng trên một thế đất cao, người ta bước vào một hệ thống cung điện gồm vài chục tòa nhà lớn nhỏ và các công trình kiến trúc phụ thuộc. Tòa ngang dãy dọc nơi đây đã được dành cho vua và đoàn cung nữ tùy tùng thỉnh thoảng lên ở lại vui chơi. Minh Khiêm Ðường – nhà hát cổ xưa và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc trang trí. Ðiện Hòa Khiêm – nơi thờ đế và hậu, hiện còn chứa nhiều đồ ngự dụng và các tác phẩm mỹ thuật đương thời.
Ba dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu.
Nếu nhà cửa ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ thì tất cả các công trình kiến trúc ở khu vực lăng mộ bên kia đều được xây bằng gạch, đá. Ðáng để ý nhất là tấm bia lớn nhất Việt Nam cao chừng 5m, được bảo vệ bằng một tòa nhà đồ sộ kiên cố với cột to, vách dày và xây cửa cuốn. Các nhà kiến trúc đã cho xây Bi đình bằng vật liệu và kiểu thức như vậy là dùng để chống chọi với thời gian. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch và chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ. Bửu thành được bao phủ bởi một rừng thông xanh ngắt, reo vi vu suốt bốn mùa.
Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài "Khiêm Cung Ký" do nhà vua soạn thảo. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia "Thánh đức thần công" trong các lăng khác.
Ngoài ra, hệ thống tháo thoát trong toàn lăng tẩm đã được thiết kế, xây dựng một trình độ cao, và lưu thông rất tốt. Nhìn chung, mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Ðức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình: không trùng lặp và rất sinh động. Cách phân bố các khu vực và bố cục các công trình kiến trúc trong từng khu vực ở lăng Tự Ðức đã phá bỏ hệ thông lệ giữ gìn sự đối xứng từng cổ điển ở một số lăng khác.
Những công trình kiến trúc đá cổ xưa trong khu mộ
Vua Tự Đức đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng nghĩ đến một câu thơ đề tặng “ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức với sự tâm đắc, ngưỡng mộ:
“Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”.
DiaOcOnline.vn – Theo Trung tâm bảo tồn cố đô Huế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét