Thứ Tư, 12 tháng 1, 2011

Chuyện con gà, con công và con phụng ở xứ người ( st VnExpress )

Chuyện con gà, con công và con phụng ở xứ người
Cả ba con khi sang đến một xứ lạ đều bị rụng lông. Để mọc lại bộ lông như xưa, mỗi con tìm cho mình một đường đi khác nhau. Con gà thì vẽ cho mình một con đường đơn giản: bỏ hết quá khứ, làm lại từ đầu, miễn sao có tiền là được và không cần gì phải đi học.
Tôi có đọc một số bài viết trong mục Người Việt 5 Châu của bạn Danny Nguyễn. Bạn này viết về cuộc sống ở Mỹ cũng khá chi tiết, nói lên được một phần nào bức tranh của cuộc sống người Việt bên Mỹ.
Mới đầu, bạn ấy đề cập đến sự cực khổ của những người mới qua Mỹ, các cách sống khác nhau để kiếm tiền, rồi nỗi trăn trở của một người từng giàu có, có chức vị cao trong xã hội, nhưng qua Mỹ thì vất vả để mưu sinh. Bạn ấy thật sự được sự hưởng ứng của bạn đọc. Nhưng đằng sau những phần tích cực đó, bạn ấy lại khoe khoang những thành công trong việc kiếm tiền bằng nghề Nail của mình, rồi chê bai những người có học thức cao nhưng kiếm tiền thì không bằng mình.
Sau đó bạn ấy lại khyên không nên đi học lại, không nên học cao hơn, vân vân, lúc đó thì bị bạn đọc đả kích kịch liệt nhiều hơn là được khen ngợi. Bạn ấy lại thanh minh là tôi dám nói thiệt, tôi chỉ khôn cho bạn, vì tôi yêu nước, tôi có lòng bác ái, ráng làm ra tiền để giúp đỡ bên Việt Nam, vân vân. Nguyên nhân chính của vấn đề là vì bạn Danny lấy mẫu người ra so sánh không tương xứng với nhau nên mới bị phản đối như vậy. Bạn ấy đã lấy “con gà mà đem so sánh với con công, con phụng”. Nói vậy là thế nào? Tôi có những phân tích sau đây, mời các bạn đọc mà suy nghĩ nhé.
Vì là so sánh để chỉ ra cái sai của bạn Danny, tôi phải so sánh đồng vế, từ thế hệ qua Mỹ của bạn Danny, cách đánh giá của bạn ấy về giá trị của học vấn, cách cư xử cho khỏi mắc lòng người khác. Từ đây mỗi chúng ta tự rút cho mình một bài học làm người nhé.
Tôi biết là Danny qua Mỹ lúc lớn tuổi và không rành tiếng Anh. Tôi gọi đó là: qua Mỹ thế hệ thứ nhất. Tôi cũng xin các bạn đọc cho phép tôi tạm chia các dạng nhập cư vào xã hội Mỹ thành làm 3 loại, đại diện cho 3 tầng lớp điển hình để bạn đọc dễ bề theo dõi. Ngoài ra còn nhiều gia cấp khác, tôi không bàn tới trong bài viết này. Cách chia và ví von mỗi giai cấp như sau nhé:
Loại 1: tôi ví von như là con gà: là những người qua Mỹ thế hệ thứ nhất, có học thức không cao, tìm cách hòa nhập vào xã hội Mỹ bằng con đường đi làm. Làm có tiền rồi gáy (nổ, lên mặt dạy đời), rồi bới móc (châm chích, khuyên bậy) chuyện người khác.
Loại 2: tôi ví von như là con công, tức là cao hơn và quý giá hơn con gà. Nhóm này là những người cũng qua Mỹ thế hệ thứ nhất, khi qua Mỹ có chịu khó đi học lại, nhưng không thành công mấy trên con đường học vấn. Dù học thức không cao, nhưng họ biết cách sống, biết tôn trọng nhân phẩm, biết cái giá trị của học vấn. Họ không gáy (nổ, lên mặt dạy đời) như con gà, không bới móc (châm chích, khuyên bậy) chuyện người khác.
Loại 3: Tôi ví von như con phụng. Nhóm này giống loại 2, nhưng thành công trên con đường học vấn ở Mỹ.
Như vậy ta có 3 cách hoà nhập khác nhau, và vị trí đại diện trong xã hội từ thấp tới cao là: con gà, con công và con phụng. Loại 2 và 3 thì được xã hội đánh giá cao và tôn trọng hơn loại 1.
Khi một người mới qua tới Mỹ, thường đều bị hụt hẫng; tôi ví họ như là con gà, con công, hoặc con phụng đang bị rụng lông. Khi còn đương thời bên Việt Nam thì những con này có đủ lông, đủ cánh và đẹp đẽ. Khi qua Mỹ thì đời sống thay đổi làm cho ta bị hụt hẫng. Từ khí hậu, cách cư xử, ngôn ngữ bất đồng, nghề nghiệp không xài được (vì cách làm khác nhau, bên Mỹ thì theo tiêu chuẩn của châu Mỹ, bên Việt Nam ta thì theo tiêu chuẩn châu Âu; hoặc bằng cấp bên Việt Nam qua Mỹ không công nhận), con cái phải có người trông giữ sau giờ học, vân vân, thì chuyện bị hụt hẫng không thể không xảy ra. Mình không còn là mình nữa rồi. Từng là một bác sĩ bên Việt Nam, qua Mỹ mà không học lại như bạn Danny khuyên thì có làm lại bác sĩ được không? Từng là một anh thợ xây cất giỏi bên Việt Nam, nhưng qua Mỹ không học để biết cách sửa nhà bên Mỹ, không lấy được chứng chỉ cho phép được nhận sửa nhà thì có dám đập nhà người ta ra mà sửa lại cho đúng yêu cầu khách hàng không? Vì vậy con nào cũng bị rụng lông, mình không phải là mình như ngày xưa là vậy.
Để mọc lại bộ lông như xưa, mỗi con tìm cho mình một đường đi khác nhau. Con gà thì vẽ cho mình một con đường đơn giản: bỏ hết quá khứ, làm lại từ đầu, miễn sao có tiền là được và không cần gì phải đi học. Sau một thời gian cày kiếm tiền vất vả, tiền bạc cũng thông thả và có dư, con gà kia mọc được một bộ lông mới và có vài quả trứng vàng là tiền bạc dư thừa. Có đủ tiền, con gà tưởng rằng mình đã hoà nhập vào xã hội Mỹ. Sai lầm bắt đầu từ đây. Con gà bắt đầu cất tiếng gáy, bắt đầu nổ, lên mặt dạy đời con công và con phụng tại sao không theo gương thành công của mình? Thế là anh gà bị bạn đọc trách móc rất tận tình.
Còn con công, con phụng hiểu rõ được sự quan trọng của tri thức, họ tìm cách hoà nhập vào xã hội Mỹ bằng con đường học vấn. Cố gắng đi học để tìm lại cái địa vi, cái bộ lông xinh đẹp của mình. Vì từng là con công, phụng bên Việt Nam, từng có địa vị trong xã hội nên con đường họ chọn để hoà nhập vào xứ sở ở Mỹ là phải đi học lại, phải có bằng cấp để bộ lông rụng của họ mọc lại đẹp hơn và lành lặn hơn.
Trong giai đoạn đi học thì ai cũng cực khổ hết. Ngoài đi học, họ phải đi làm, hoặc phải mượn tiền thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Cái khó khăn của người đi học là: nào là phải tới lớp dự giảng, nào phải học bài, làm bài, nào phải đi làm thêm để có tiền đóng học phí, để trang trải chi phí cho gia đình, con cái, phụ giúp bên Việt Nam, vân vân. Nói chung, người đi học có hai trách nhiệm là: đi học và đi làm thêm (thường là bán thời gian). Vì làm bán thời gian, trang trải chi phí đi học thì con công, con phụng sao nhiều tiền bằng người chỉ biết đi làm là con gà được. Tại sao con gà không biết chuyện này cả?
Còn đi làm thì dễ hơn đi học, vì đi làm bạn chỉ có kiếm tiền và kiếm tiền toàn thời gian. Lương tối thiểu bên Mỹ là $8/giờ. Ăn thì chỉ có $200/tháng mỗi người. Tiền share phòng thì $300/tháng bao hết gas, điện nước, cable, internet. Còn bảo hiểm xe thì khoảng $30-50/tháng. Tôi nói đây là mức lương tối thiểu, lối sống tối thiểu, và chạy xe cũ. Như vậy, chỉ với đồng lương tối thiểu, bạn biết dành dụm và sống theo lối tối thiểu như tôi nói, bạn vẫn còn dư chút đỉnh. Bạn có thể phụ giúp gia đình, và cũng lo được chút it bên Việt Nam. Nếu bạn có con, với đồng lương tối thiểu, biết điều chỉnh số giờ làm thích hợp thì bạn có thể được hưởng trợ cấp từ chính phủ. Phần trợ cấp có thể là bảo hiểm con cái, tiền học phí cho con, tiền giúp thuê nhà (housing), và phiếu thực phẩm hàng tháng (food stamp). Vậy bạn cũng không lo miệng ăn, tiền học và tiền khám bệnh cho những đứa con của mình.
Với lối sống trên, bạn có tiền cho gia đình, có thể an phận mà không cần suy nghĩ nhiều. Nhưng con công và con phụng rụng lông kia không chịu an phận như vậy. Họ muốn tìm lại bộ lông ngày xưa kìa. Vì bộ lông của con công, con phụng nó mắc hơn, khó tìm hơn, phải trả giá cao hơn thì mới lấy lại được. Nên những con công, con phụng không ngại chấp nhận cực khổ hơn một chút, sống nghèo khó thêm một chút để tìm lại bộ lông hoàn vũ, để tìm lại chính mình ngày xưa. Tuy cực khổ nhưng họ chấp nhận nghèo khổ để tìm lại cái mà họ mất, tìm lại cái mà ai cũng mong chờ, cái mà được xã hội đánh giá cao. Cái mà con cái sẽ noi theo. Đó là tiếp tục đi học. Đó là tấm gương được tôn vinh và khen ngợi.
Khi con gà nhìn vào con công, con phụng còn rụng lông, con gà cứ tưởng nó là con gì; con gà liền trêu chọc nó, dạy đời nó, và khuyên nó không nên đi học lại. Hoặc là con gà thừa biết đó là con công, con phụng nhưng con gà cố tình phỉ báng nó vì ghen tức. Ghen tức là vì dù con gà có mọc lại bộ lông xinh đẹp, người ta cũng gọi nó là con gà. Là con gà thì chỉ biết bơi móc để kiếm tiền, để lo cho bản thân và gia đình. Khi no rồi, con gà lại gáy để chọc tức người khác. Mà cất tiếng gáy của con gà mà đòi qua mặt con công và con phụng sao? Ai nghe thấy cũng chướng mắt nên không đồng tình với con gà là vậy đó. Bạn dám lấy con gà đi so sánh với con công, con phụng; dám lấy thân phận kém tài không đức mà so sánh những người khác sao? Mặc dù con công, con phụng còn đang rụng lông, nhưng con công vẫn là con công, con phụng vẫn là con phụng. Vì con gà không biết rõ giới hạn và giá trị giữa con gà và con công, con phụng, nên con gà bị một trận đòn phê phán và bị phản đối kịch liệt.
Là con gà cũng từng bị rụng lông khi mới qua Mỹ. Nhưng để con gà kia tìm lại bộ lông của nó thì dễ hơn nhiều. Cụ thể là mảnh bằng Nail thì chỉ có vài tháng là lấy được dù tiếng Anh không biết. Tốn chỉ đâu có $1.000-3.000 tùy theo từng trường và tùy tiểu bang. Còn muốn lấy một bằng trung cấp hạng bét bên Mỹ cũng phải tốn ít nhất là 2 năm. Còn những bằng cao hơn thì lâu lâu lắm bạn ạ. Tốn tiền nhiều lắm, hy sinh nhiều lắm mới dám quyết định bỏ hết tất cả để đi học, để tìm lại bộ lông con công, con phụng yêu quý của mình. Như vậy cái giá trị của con công, con phụng nó khác giá trị của con gà là vậy đó.
Bên Mỹ thịt gà, nói nghĩa đen lẫn nghĩ bóng, nó rẻ lắm bạn ạ. Hỡi con gà kia, xin đừng lấy tiền và cái nghề thấp hèn của mình ra mà gáy, mà khoác lác trước mặt con công, con phụng. Làm vậy thì chỉ có gậy ông đập lưng ông mà thôi. Nhìn qua thấy con công, con phụng còn te tua, con gà lại lên giọng dạy đời. Nghĩ mà tội cho con gà suy nghĩ nông cạn, và cũng tội cho con công, con phụng chưa đủ no, chưa đủ lông đủ cánh mà cất tiếng gáy lại. Đôi khi con công, con phụng kia nó giận chứ, nhưng nghĩ lại thì giai cấp khác nhau, nên nhận thức phải là khác nhau. Nhận thức của con gà chỉ vậy, giận nó làm gì.
Tôi viết bài này cốt là để chỉ ra ai là con công, ai là phụng, và ai là con gà. Địa vị xã hội của mỗi ngưòi khác nhau, danh dự và sở thích mỗi người không giống nhau, đương nhiên họ phải làm những việc khác nhau. Tôi không khinh rẻ nghề nào, tôi chỉ mong bạn đọc tự đánh giá đúng con người của mình mà đặt nó vào đúng chỗ của nó. Nếu bạn “biết rõ mình, biết rõ ta, trăm trận trăm thắng”, ông bà ta nói vậy không sai chút nào.
Nghề nào cũng cao đẹp và quý giá cả, nhưng địa vị xã hội thì khác nhau. Nếu bạn biết rõ địa vị xã hội của mình, biết tôn trọng công việc người khác, thì xã hội và người khác sẽ tôn trọng lại bạn, mọi người đều vui vẻ. Không có cô thợ hớt tóc, không có anh bưng phở, không có ông thầy giáo... thì không ai làm đẹp cho mình, không ai bưng tô phở cho mình ăn, không ai dạy cho mình nên người. Nói chung, thiếu những người khác, làm những việc đáng quý như vậy, chúng ta không có một xã hội hoàn hảo. Đọc tới đây các bạn hãy thở phào một hơi dài vì không có ai đả kích ai hết, ai cũng được tôn trọng như nhau. Và nếu mình tôn trọng người khác, thì người khác sẽ tôn trọng lại mình. Chỉ mong các bạn hãy tự xếp hạng xã hội cho mình, có vậy xã hội sẽ không có nhiều tranh cãi. Hãy hứa là không giận tôi nhé. Tôi là người chỉ ra cái xã hội cần nói. Nếu có hiểu lầm ý tôi thì cho tôi xin lỗi nhé.
Tới đây bạn đọc cũng thấm thía phần nào về vị trí xã hội của mình. Xã hội đánh giá con người là vậy đó. Tôi chỉ là người nói ra tiếng nói chung của xã hội thôi. Tôi cũng mong các bạn phải biết học hỏi để tiến thân. Có học thì từ con gà mới có thể trở thành con công, con phụng được. Có học thì chúng ta mới biết sống như thế nào cho đúng đạo làm người. Đừng vì ỷ mình tài cao, học rộng, hoặc ỷ mình giàu có mà chà đạp nhân phẩm người khác. Nguyễn Du dạy ta rất hay, tôi nghĩ đây là cái thước để người khác sắp đặt địa vị xã hội của mình:
Có tài mà cậy chi tài 
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đã mang cái nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn là bởi lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Bên Mỹ là xứ cơ hội cho những ai biết nắm bắt nó. Có người nắm bắt để làm giàu (như bạn Danny chẳng hạn), có người đi học để thăng tiến. Chúng ta tuy đi trên một con đường cơ hội nhưng đích đến là khác nhau. Một con đường dắt bạn trở thành con gà có cái trứng vàng (tiền bạc); một con đường dắt bạn trở thành con công, con phụng (dù có trứng vàng hay không). Khi chết đi, người ta để trên bia mộ là Nguyễn Con Gà. Còn trên bia mộ của con phụng là Trần Con Phụng. Đôi khi hơi khoe khoang một chút thì thêm vào vài chữ như bác sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ Trần Con Phụng. Hai chữ bác sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư, nhà thơ, nhà văn, tuy nó ngắn ngủi, dễ viết, nhưng cả đời con gà nếu không chịu đi học thì lấy hết trứng vàng ra mà mua thì cũng không tài nào mua được. Khi chết đi thì gà vẫn là gà, con con công vẫn là con công, con phụng vẫn là con phụng. Đời đời không thay đổi.
Dũng Phạm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét