Tiêu chuẩn rất cao nhưng...
Tôi làm báo gần 30 năm, chủ yếu viết về giáo dục, khoa học. Ấy thế nhưng chưa bao giờ viết về chuyện xét - phong học hàm Giáo sư, Phó GS. Không phải tôi không có thông tin về vấn đề này, mà thấy đây là chuyện của những con người lịch lãm, thông minh, nghiêm túc... Họ quá hiểu biết công việc của mình rồi, không cần phản ánh, bình luận nữa. Nhưng rồi càng ngày càng thấy những vấn đề muốn cười mà khóe mắt lại cay cay.
Mỗi lần Nhà nước công bố danh sách những người mới được phong học hàm GS, PGS, dư luận xã hội lại chép miệng: "Sao mà lắm GS thế!". Những người ở trường đại học thì thấy vẫn ít, vì có những trường có hàng chục ngàn nhưng số người có học hàm GS, PGS chỉ tính trên đầu ngón tay. Còn những người vừa được phong danh hiệu cao quý, không phải ai cũng thấy như vừa được bay lên.
Tôi hoàn toàn có thể dẫn ra con số GS, PGS ở nước ta hiện nay, nhưng thiết nghĩ những con số đó chẳng nói lên điều gì. Theo tôi, nền khoa học của nước ta hiện nay đang yếu kém, nghĩa là chúng ta còn thiếu những người thực sự có trình độ GS, PGS.
Còn những con số trăm, số ngàn GS, PGS lại nói lên một vấn đề khác: Có một điều gì đấy không ổn trong tiêu chuẩn, quy chế, quy trình xét phong học hàm. Cụ thể thế này: Tiêu chuẩn chúng ta đề ra là cao, thậm chí rất cao (nào là ngoại ngữ, nào là công trình khoa học, nào là hướng dẫn khoa học, lại còn các tiêu chuẩn về đạo đức, chính trị nữa chứ!).
Có người nửa thực, nửa đùa nói: "Nếu Einstein làm hồ sơ xin phong GS ở Việt Nam có lẽ cũng bị đánh trượt".
Quy chế, quy trình xét duyệt, kiểm tra, bỏ phiếu kín... xem ra cũng rất chặt chẽ và nghiêm túc. Ấy thế mà có những GS, PGS trình độ rất đáng nghi ngờ, rõ nhất là ngoại ngữ (tôi đánh cuộc là có tới quá nửa GS, PGS của ta không biết ngoại ngữ, hoặc trình độ ngoại ngữ không tương xứng với học hàm, nghĩa là nếu xét nghiêm túc thì không đủ tiêu chuẩn).
Ngược lại, có một số người rất giỏi (thừa các tiêu chuẩn, thực sự có uy tín khoa học) nhưng lại không được phong GS, PGS.
Như vậy vấn đề nằm ở chỗ những con người cụ thể là thành viên của những Hội đồng xét, kiểm tra, bỏ phiếu để phong GS, PGS.
Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2009, |
Để được là thành viên của Hội đồng xét GS, PGS đương nhiên họ phải là GS. Mỗi một ngành, một lĩnh vực khoa học lại có một Hội đồng như vậy. Các Hội đồng thuộc khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật thì tôi không rành lắm, không dám nhận xét gì. Còn một số Hội đồng thuộc khoa học xã hội - Nhân văn thì tôi biết, thậm chí rõ cả lai lịch, tính cách của từng thành viên. Nói chung, phần lớn họ là những con người đáng kính, nhưng một số nhỏ thì không xứng đáng được như vậy.
Trong 2 năm vừa qua (2009, 2010) tôi theo dõi cách làm việc của Hội đồng xét học hàm trong lĩnh vực Ngữ văn và đã có lúc cười ra nước mắt. Tôi vốn không xem trọng những danh hiệu, chức sắc nọ kia, nhưng thấy bạn bè được phong GS, PGS thì cũng mừng chứ? Chỉ có điều, xung quanh chuyện cao đẹp, vui mừng này lại có những chuyện không được sạch sẽ và đàng hoàng cho lắm.
Tôi có những người bạn, người quen là ứng viên GS, PGS. Học, chơi, uống rượu với nhau trong nhiều năm, tôi biết trình độ của họ - họ hoàn toàn xứng đáng với học hàm GS, PGS. Hơn nữa, trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu văn chương, họ phải nói, phải viết... Mọi thứ đã được bày rõ ràng, đầy đủ trên những con chữ.
Việc này làm tôi nhớ đến một chuyện vui của Israel: "Một lớp học có 40 người đàn ông, sau khi đã trưởng thành, quyết định họp lớp. Một người trở về báo với vợ và nói phải mang một chai rượu vodka, đổ vào thùng, uống chung. Vợ khuyên: "Chỉ cần mang nước lã đến cũng được, vì đổ vào thùng rồi ai biết? 39 người kia mang rượu, mỗi mình mang nước lã cũng chẳng hề hấn gì!". Kết quả là hội lớp đó chỉ uống nước lã, vì ai cũng nghĩ như vậy. |
Có những người nay đã có danh hiệu GS, PGS rồi nhưng dường như đã có lúc họ bị tổn thương. Một người bạn tôi, dù đã có danh hiệu PGS, nhưng vẫn đỏ mặt khi nói "buộc phải đến nhà vị nọ, vị kia".
Họ bị tổn thương bởi mấy lẽ. Thứ nhất, ở tuổi trên dưới 50, có học vị tiến sỹ hàng chục năm rồi, muốn có học hàm vẫn phải chạy vạy, thấp thỏm như học trò đi thi vậy. Thứ hai, một vài vị là thành viên Hội đồng đã có thái độ, cử chỉ, lời nói, cách hành xử không đúng, không đẹp, không trung thực, dẫn tới kết quả không công bằng.
Có chuyện thế này: Một vị thành viên Hội đồng đánh tiếng: "Này, năm nay cậu ấy nộp hồ sơ xét PGS mà không thấy nói năng gì cả là sao nhỉ?". Câu nói đó đến tai ứng viên, thế là người được nhắc tên phải tìm cách tiếp cận vị đó. Mà không tiếp cận suông đâu nhé!
Tôi không dám nói có vị thành viên Hội đồng nào đó lại vòi vĩnh quà cáp, tiền nong. Ngày chúng tôi đi học ở bên Nga, năm mới đến thăm thầy giáo hướng dẫn với một chai rượu. Thầy vui vẻ nhận rồi trò chuyện và uống rượu. Khi ra về, thầy tặng lại một chai rượu khác đắt tiền hơn. Hỏi vì sao lại như vậy? Thầy trả lời: "Vì tôi là GS, thu nhập cao hơn các anh". Các thành viên Hội đồng đều là GS cả, chắc thu nhập cao hơn ứng viên, họ lấy tiền của ứng viên làm gì?
"Ơ, tại sao lại thế nhỉ?..."
Buồn cười nhất (hay là cười buồn?) là một số vị thành viên Hội đồng tỏ ra ngạc nhiên khi kết quả bỏ phiếu được công bố vì có một ứng viên danh hiệu GS trong 2 năm liền đều bị đánh trượt.
Thật ra, chuyện bị đánh trượt cũng không có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là ứng viên này rất xứng đáng, thậm chí có uy tín khoa học hơn một số thành viên Hội đồng.
Vì vậy, trước khi bỏ phiếu kín, tất cả thành viên Hội đồng đều bày tỏ sự ủng hộ, nhưng khi kiểm phiếu, kết quả không như vậy. Cụ thể, năm 2009: 4/11 thành viên Hội đồng phản đối, năm 2010: 3/11 thành viên Hội đồng phản đối. Điều buồn cười nằm ở chỗ khi kết quả như vậy được xướng lên, các thành viên Hội đồng đều nhún vai, ngạc nhiên và kêu lên: "Ơ, tại sao lại thế nhỉ?!".
Việc này làm tôi nhớ đến một chuyện vui của Israel: "Một lớp học có 40 người đàn ông, sau khi đã trưởng thành, quyết định họp lớp. Một người trở về báo với vợ và nói phải mang một chai rượu vodka, đổ vào thùng, uống chung. Vợ khuyên: "Chỉ cần mang nước lã đến cũng được, vì đổ vào thùng rồi ai biết? 39 người kia mang rượu, mỗi mình mang nước lã cũng chẳng hề hấn gì!". Kết quả là hội lớp đó chỉ uống nước lã, vì ai cũng nghĩ như vậy.
Cũng không nên sử dụng việc xét phong GS, PGS như một cơ hội để bày tỏ thái độ "yêu - ghét" hoặc "dằn mặt bắc cầu" (không ưa người đồng cấp nhưng không làm gì được họ, đành đánh trượt người thân của họ).
Ngược lại, có người (đáng kính thực sự vì tri thức và nhân cách) nắm được những chỗ yếu của một vài thành viên Hội đồng, cũng đánh tiếng, đại ý là: "Người thân của tôi mà bị các anh chơi xấu, tôi không để cho các anh yên đâu!"
Là thành viên Hội đồng học hàm, cần phải thấy được vinh dự và trách nhiệm của mình. Danh hiệu GS, PGS được sinh ra không phải để "ban phát", "hưởng lộc". Cũng không phải để cho người này người nọ làm sang, làm oai, mà nó là sự ghi nhận đóng góp của trong hoạt động giáo dục, khoa học. Nó còn là sự ghi nhận và bảo đảm uy tín cho con người và cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Trong buổi gặp mặt mừng những người vừa có danh hiệu mới, tôi nâng ly rượu, nửa đùa, nửa thật nói: "Các vị đã có học hàm, học vị cao. Rồi sẽ đến lúc các vị tham gia Hội đồng, lúc đấy đừng nói " Ơ, tại sao lại thế nhỉ?" đấy nhé! Những người bạn tôi cười méo mó. Khóe mắt tôi vẫn cay cay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét