Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Trịnh Công Sơn

Viết về Trịnh Công Sơn quả là quá khó bởi lẽ biết bắt đầu viết về ông từ đâu? kể về sự nghiệp? con người? tình yêu nghệ thuật? chất độc đáo của tình yêu trong nhạc ông? hay kể về những người đã hát các ca khúc của ông? Riêng một trong những chủ đề đó thôi, người ta có thể dành hàng năm trời với vài cuốn sách mới thống kê được những ảnh hưởng của ông với âm nhạc Việt Nam, với con người Việt Nam bất kể lứa tuổi, và với “đời”. Tin rằng khi Trịnh Công Sơn viết nhạc, ông không gặp phải những khó khăn thế này.
Nhạc Trịnh Công Sơn sáng tác như lời ông nói “Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”; và có lẽ vì thế mà không bao giờ cạn vốn. Bởi người nghệ sĩ như ông, khi đã có niềm cảm hứng với đời, thì sẽ để nó tuôn chảy vĩnh viễn trong những sáng tác của mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại di sản đời mình cho những người yêu thơ nhạc hơn 600 tác phẩm với 3 mảng đề tài chính: Tình yêuQuê hươngThân phận; nhưng lớn hơn hết thảy là tình cảm của ông, là “văn hóa Trịnh Công Sơn” như người đời đã ca ngợi.
Trinh Cong SonCố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/2 năm 1939 và mất ngày 1/4 năm 2001 tại Sài Gòn. Từ khi Ướt mi, tác phẩm đầu tay của ông ra đời cho đến ngày ông ngừng sáng tác, không có người nghệ sĩ Việt Nam nào dành được tình cảm và sự ái mộ nồng nhiệt, đôi khi là si mê đến cuồng điên từ phía khán thính giả nhiều như ông. Mà cũng phải thôi, khi nào người ta còn biết buồn, còn biết suy tư, còn biết đến chữ tình, và còn có “một tấm lòng” thì lúc đó “nhạc Trịnh” vẫn còn ngân nga.


Người ta nói có thời kỳ “văn hóa Trịnh Công Sơn” len lỏi vào cuộc sống người dân Sài gòn, bám rễ vào đời sống thường nhật của họ, bền bỉ mà không âm thầm. Không có nơi đâu người ta không nghe băng cassette nhạc Trịnh, rồi những quán cafe với tên “Hạ Trắng”, “Mưa Hồng”, “Diễm Xưa”, “Biển Nhớ”, … có thể gặp ở bất cứ chỗ nào, chỉ cần mỏi gối và muốn dừng chân! Người đời là thế, nồng nhiệt, ưu ái, và vô tư. Vậy cuộc đời ông ra sao? chắc số người dám tự tin mà kể về cuộc đời Trịnh Công Sơn chỉ đếm trên đầu ngón tay, và người viết bài này cũng không ngoại lệ. Chỉ dám kể đôi dòng được đọc về ông mà thôi

Trinh Cong Son
Người biết ông nói ông chữ đẹp văn hay từ khi còn trẻ, ông tự học nhạc và ông sáng tác rất sớm. Ông nổi tiếng ngay sau ca khúc đầu tay “Ướt mi” năm 1959. Nhạc của ông, khác với những người cùng thời như Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Lê Thương, hay Phạm Duy; nó mạch lạc, bay bổng, và đi vào lòng người, mới mẻ và hồn nhiên, phá vỡ những khuôn sáo. Phạm Duy nói về nhạc của ông:
Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại.
Nói ông là thiên tài trong thời kỳ ông sống chắc không ai phản đối rồi, cái thời kỳ mà người ta cấm nhiều sáng tác phản chiến của ông, sau đó còn đưa ông đi vùng kinh tế mới sau khi ông từ chối ra nước ngoài sinh sống cùng gia đình. Có người hỏi ông vì sao, ông chỉ đáp lại chân thành:
Người nghệ sĩ không thể sống xa quê hương. Xa nó, anh ta sẽ cạn nguồn cảm hứng, mà cái đó thì chẳng khác gì cái chết.
Thế rồi những sáng tác cho đất nước và thời đại của ông được biết đến bởi bạn bè nhiều nước, rõ rệt nhất là xứ Phù Tang. Ca khúc “Diễm xưa” của ông được dịch ra tiếng Nhật và phổ biến rộng rãi, sau lại được đưa vào chương trình đại học của bộ môn Văn hóa âm nhạc.
Vậy những ai đã mang sáng tác của ông đến với đông đảo quần chúng? Thanh Thúy luôn được coi là người đầu tiên có được niềm vinh dự này khi bà trình bày ca khúc “Ướt mi” năm 1959. Những người còn lại thì xin mượn đôi dòng do chính ông đã liệt kê:
Trinh Cong Son
    Khánh Ly, một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau. Vĩnh Trinh, một người em ruột phải bù đắp vì không kịp thấy bố khi vừa ra đời. Hồng Nhung, một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai? - Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh. Hay nhất.
    - Vĩnh Trinh: Một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời, và cho tôi.
    - Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với thời hiện đại, một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện tại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ.
    - Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là điều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người. Mà hình như còn nhiều nữa, như Khánh Hà, Cẩm Vân, Thái Hiền, Thu Hà, Lan Ngọc, Lệ Thu, ôi nhiều lắm vân vân và vân vân.
Những ca khúc ông viết đa phần đều đi vào lòng người, và những ca khúc viết về ông cũng không kém phần đặc sắc. Xin mượn bài hát “Người ca thơ” của nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân viết tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thay cho lời kết bài.
Liêm (sưu tầm)
.